Ngô vương Dương_Phổ

Năm 921, theo ý của Từ Ôn, Dương Phổ tế Nam Giao, mục đích là khẳng định Thiên mệnh. (Các quan lại khác cố gắng can ngăn Từ Ôn vì cho rằng phải chịu phí tổn lớn, song Từ Ôn nói rằng có thể tiến hành nghi thức này mà không cần phải chi phí nhiều như dưới thời triều Đường.)[1]

Năm 923, đồng minh trên danh nghĩa của Ngô là Hậu Đường Trang Tông Lý Tồn Úc chiếm được thành Vận châu[chú 4] của Hậu Lương, Hậu Đường Trang Tông đích thân viết thư cho Dương Phổ, đề nghị hai bên cùng hợp binh tiến công Hậu Lương. Tuy nhiên, vào thời điểm này Ngô cũng bắt đầu nhận thấy Hậu Đường là một mối đe dọa, vì thế Từ Ôn dự tính khiển một hạm đội tiến về phía bắc, hỗ trợ bên nào chiếm ưu thế. Nghiêm Khả Cầu (嚴可求) sau đó can gián, Từ Ôn quyết định không hành động.[8]

Cũng trong năm đó, Hậu Đường Trang Tông chiếm được thủ đô Đại Lương của Hậu Lương, hoàng đế Chu Hữu Trinh của Hậu Lương tự sát. Sau đó, Hậu Đường khiển sứ giả đến Ngô cáo việc diệt Hậu Lương, đem theo chiếu chỉ của Hậu Đường Trang Tông, song Ngô không xem mình là chư hầu của Hậu Đường nên từ chối tiếp nhận. Hậu Đường Trang Tông sau đó viết thư, song thể hiện ưu thế khi viết: "Đại Đường hoàng đế đưa thư cho Ngô quốc chủ". Dương Phổ phục thư, xưng "Đại Ngô quốc chủ thượng Đại Đường hoàng đế". Không lâu sau, Dương Phổ cũng khiển Lô Bình (盧蘋) đi sứ sang Hậu Đường. Khi Lô Bình trở về Ngô, bẩm lại rằng (Hậu) Đường chủ chìm đắm trong ngao du và săn bắn, keo kiệt trong chuyện tiền bạc và khước từ lời can gián, nội ngoại đều oán.[8]

Năm 924, khi đến cảng Bạch Sa[chú 5] để xem xét lâu thuyền, ông đổi tên Bạch Sa thành Nghênh Loan trấn ("nghênh loan" (鑾鎮) tức là "đón vua"). Từ Ôn khi đó đóng quân tại Kim Lăng[chú 6], còn Từ Tri Cáo ở Giang Đô giám sát triều đình, đều đến yết kiến Dương Phổ, và Dương Phổ nhân thời cơ này để than phiền về thân lại của Từ Ôn là Trạch Kiền (翟虔)- người mà Từ Ôn cho quản lý các môn, cung thành, võ bị; do Trạch Kiền đặt ra nhiều hạn chế trong việc di chuyển của Dương Phổ và theo dõi các động thái của ông. (Dương Phổ chủ động than phiền khi cố ý nói đến vũ (雨, mưa) và "thủy" (水, nước), do tên phụ thân của Trạch Kiền là Trạch Vũ. Dương Phổ nói rằng mặc dù là quân chủ, song vì lo sợ Trạch Kiền nên phải húy kỵ cả phụ danh của Trạch Kiền). Từ Ôn lạy đầu sát đất tạ tội, thỉnh trảm Trạch Kiền, song Dương Ác nói rằng việc này không cần thiết mà chỉ cần lưu đày là đủ, do vậy Từ Ôn đày Trạch Kiền đến Phủ châu[chú 7].[9]

Năm 925, quốc vương Tiền Lưu của nước Ngô Việt khiển sứ sang Ngô để thông báo rằng mình được Hậu Đường Trang Tông phong làm quốc vương nước Ngô Việt. Do trong quốc hiệu của Ngô Việt có chữ "Ngô", Ngô từ chối tiếp nhận sứ giả của Tiền Lưu, còn cắt đứt quan hệ ngoại giao và mậu dịch giữa hai nước.[10]

Năm 926, Hậu Đường Minh Tông tức vị tại Trung Nguyên sau các cuộc binh biến, Dương Phổ khiển sứ sang thiết lập quan hệ hữu hảo, đem theo lá trà tươi cống nạp, song trong nước cũng dành ra một thời kỳ để tang Hậu Đường Trang Tông.[11]

Năm 927, khi Mã quân đô chỉ huy sứ Sài Tái Dụng (柴再用) của Ngô đến yết kiến Hậu Đường Minh Tông, song lại mặc áo giáp nên bị kết tội. Sài Tái Dụng cậy có công nên không phục. Thị trung Từ Tri Cáo sau đó cố gắng khôi phục kỷ luật trong quân đội Ngô bằng cách cố tình "lỡ" xâm nhập vào cung điện, sau đó ngay lập tức thoái lui và tự hặc tội. Dương Phổ ra chiếu bất vấn, song Từ Tri Cáo cố thỉnh được tước trừ một tháng bổng lộc.[12]

Cuối năm 927, Từ Ôn chuẩn bị từ Kim Lăng đến Giang Đô để thúc giục Dương Phổ xưng đế, và sau đó nhân cơ hội này để tái bổ nhiệm nhị tử Từ Tri Tuân và Từ Tri Cáo. Tuy nhiên, khi rời khỏi Kim Lăng, Từ Ôn lâm bệnh, vì thế ông ta khiển Từ Tri Huấn đi thay. Từ Tri Cáo hay tin thì chuẩn bị từ vị và thỉnh được trao cho chức Trấn Nam[chú 8] tiết độ sứ, song Từ Ôn qua đời trong khi Từ Tri Huấn đang trên đường đi. Từ Tri Huấn vội vã trở về Kim Lăng để lo hậu sự cho phụ thân, Từ Tri Cáo vẫn phụ trách chính sự. Dương Phổ truy phong Từ Ôn là Tề vương.[3]

Tháng 11 ÂL, theo ý nguyện của Từ Ôn trước lúc qua đời, Dương Phổ tức hoàng đế vị. Ông cũng truy tôn phụ thân Dương Hành Mật, cùng đại huynh Dương Ác và nhị huynh Dương Long Diễn là hoàng đế. Khi hay tin, xu mật sứ An Trọng Hối (安重誨) ủng hộ tiến hành một chiến dịch chống Ngô, song Hậu Đường Minh Tông từ chối.[3]